Làm sao để con hứng thú đọc sách, bố/mẹ hãy thử theo cách này

Làm sao để con hứng thú đọc sách, bố/mẹ hãy thử theo cách này

Con không hứng thú với các cuốn sách mẹ đọc, con thường mất tập trung dù mẹ đang cố gắng kể câu truyện thật truyền cảm, con quăng, hoặc vò nát cuốn sách khi mẹ mời con cùng đọc…v.v. Tất cả những lý do đó đang khiến mẹ thật sự “stress” và không biết phải giải quyết vấn đề từ đâu?

Một trong số những nguyên nhân lớn nhất khiến các con chưa hứng thú như vậy là vì con chưa tìm được điều thú vị trong những cuốn sách mẹ kể, con chưa tưởng tượng được hoặc chưa có mối liên hệ nào giữa các nhân vật trong câu truyện và cuộc sống, môi trường xung quanh con… Hôm nay mẹ Xu xin hướng dẫn mẹ một số cách chơi khiến con hứng thú hơn, cải thiện trí nhớ tốt hơn, tạo một sợi dây liên kết giữa các câu truyện của mẹ với thế giới bên ngoài của con, từ đó sẽ khiến con mong ngóng những giờ cùng mẹ đọc sách, để con cùng tưởng tượng, cùng hòa mình vào làm những nhân vật trong truyện mẹ nhé!

1. Hãy luôn kể lại các câu truyện mọi lúc mọi nơi

Khi mẹ cùng con đi chơi, ngồi một nơi có hoàn cảnh tương tự, hoặc gặp sự vật sự việc tương tự như câu chuyện mẹ kể, mẹ hãy nhắc lại và đưa con vào cùng làm nhân vật trong câu truyện đó.

Ví dụ: Giống như câu truyện chú voi Elmer và thời tiết, vào một buổi chiều tuyệt đẹp mẹ cùng con chơi trên đồng cỏ, mẹ hãy rủ con nằm dưới đám cỏ xanh mướt cùng ngắm nhìn những đám mây và chỉ ra hình các bạn động vật. Con xem này, mẹ con mình đang nằm ngắm nhìn những đám mây giống bạn voi Elmer chưa! Kìa đám mây kia giống bạn thỏ chưa này! Bạn chó nữa kìa, … rồi tiếp tục gợi mở giúp con tự tưởng tượng những hình thù khác nữa. Việc làm này tưởng chừng như rất đơn giản nhưng sẽ khiến con liên tưởng và nhớ lại câu chuyện tốt hơn. Sẽ khiến con hào hứng với những câu truyện khác nữa, để tìm hiểu và được hòa mình vào thế giới xung quanh cùng mẹ.

2. Hãy vẽ lên câu truyện khi có thể

Mẹ hãy cố gắng cùng con vẽ lên câu truyện và tham gia nhập vai, có thể là nền nhà, cũng có thể là một bãi đất trống, bãi biển …v.v. Kết hợp với một số “đạo cụ” có sẵn xung quanh mẹ sẽ đem được câu truyện mẹ kể về gần với con hơn rồi.

Ví dụ: Trong câu truyện Asae và em gái bé nhỏ có đoạn bạn ASae vẽ đường tàu trên đường cho em gái chơi. Mẹ vẽ 1 đường ray tàu dài ngoằn ngoèo trên đường, có nhà ga, có đường hầm, có đèn xanh đèn đỏ. Sau đó cho con đi đằng trước, mẹ giữ vai con đi theo sau và nói “tu tu xình xịch, tu tu xình xịch”. Hướng dẫn con đi theo đường ray đã vẽ sao cho không bị đi lệch ra khỏi đường ray ( tăng độ khéo léo cho con). Đến đường hầm hãy hướng dẫn con cúi người xuống( tưởng tượng khi có biểu tượng đường hầm), đèn đỏ dừng lại - đèn xanh được đi ( bé học luật giao thông). Đến nhà ga hành khách xuống tàu như nào (tưởng tượng). Giúp con tưởng tượng khi ngồi trên tàu nhìn thấy những gì.... tàu đi nhanh, tàu đi chậm khi chuẩn bị dừng ( con học hành động nhanh - chậm)…

Trên đây là một số cách chơi đơn giản, mẹ Xu mong rằng các mẹ sáng tạo hơn nữa giúp con hứng thú với các câu truyện mẹ kể, vui vẻ, thích thú hơn bên những giờ chơi. Giáo dục sớm không phải là những gì cao siêu cả, đơn giản chỉ là ngay trong chính gia đình nhỏ của mình!

Mẹ Xu – Giaoducsom Team.

Bình luận

Họ tên:
Mobile:
Email:
Nội dung: